Rác thải nhựa trong sinh hoạt là loại rác thải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số rác thải nhựa có trong môi trường hiện nay. Với đặc tính khó phân huỷ, loại rác thải này đang gây ra biết bao hệ luỵ nguy hiểm. Vậy có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này không? Câu trả lời sẽ được An Phát “bật mí” ngay trong bài viết dưới đây?
1. Thực trạng rác thải nhựa trong sinh hoạt ở Việt Nam
1.1. Rác thải nhựa trong sinh hoạt gia đình
Mức độ tiêu thụ đồ dùng bằng nhựa trong sinh hoạt luôn rất cao:
Với ưu điểm bền, tiện dụng, giá thành thấp, các loại sản phẩm từ nhựa lâu nay luôn rất được người dân ưa chuộng.
Minh chứng rõ nhất là sự có mặt của túi nilon, các sản phẩm nhựa ở khắp nơi: những chiếc túi đi chợ, đồ chơi của trẻ, bàn, ghế, chai đựng nước,… đâu đâu cũng thấy sự hiện hữu của nhựa.
Mức độ tiêu thụ cao kéo theo lượng rác thải nhựa cũng tăng nhanh chóng:
Tiêu dùng nhiều khiến cho lượng rác thải nhựa cũng tăng lên theo cấp số nhân. Báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết mỗi năm Việt Nam thải ra ngoài môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.
Cụ thể hơn, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương với khoảng 1kg túi/nilon/tháng. Như vậy với dân số 95 triệu dân thì sẽ có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra mỗi ngày tại nước ta.
Không những thế, với đặc tính khó phân huỷ, rác thải nhựa phái mất đến 500 – 1000 năm mới phân hủy. Suốt thời gian dài này, chúng gây ra biết bao hệ luỵ khôn lường cho môi trường, sức khỏe con người và sinh vật.
Không phân loại rác thải nhựa từ nguồn cũng là lý do khiến rác thải nhựa tăng nhanh:
Có khá nhiều loại rác thải nhựa như chai, bàn, ghế nhựa… có thể tái chế để tạo thành các sản phẩm khác. Việc này giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, đồng thời cũng giúp tiết kiệm nguồn nguyên liệu hóa thạch (dầu mỏ) đang cạn kiệt mỗi ngày.
Tuy nhiên, muốn việc tái chế nhựa hiệu quả cao thì công tác phân loại rác thải nhựa phải được thực hiện tốt ngay từ đầu.
Tức người dân phải chủ động phân loại rác thải nhựa ngay tại nhà. Nhưng hiện nay, đa phần người dân đều chưa làm được, gây khó khăn cho việc phân loại, xử lý và tái chế.
Thêm nữa, việc không phân loại rác từ đầu nguồn sẽ làm gia tăng chi phí xử lý, khiến nhiều doanh nghiệp muốn “bỏ cuộc” vì chi phí tái chế còn lớn hơn chi phí sản xuất các sản phẩm nhựa mới.
1.2. Rác thải nhựa trong sinh hoạt tại bệnh viện
Rác thải sinh hoạt tại bệnh viện cũng chiếm tỷ lệ rất lớn hiện nay. Lượng rác thải nhựa này chủ yếu đến từ hai nguồn chính:
- Việc lưu trú của người nhà bệnh nhân: Trong thời gian người bệnh và người nhà bệnh nhân lưu trú tại bệnh viện thì sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt. Lúc này đồ nhựa dùng một lần thường được nhiều người ưu tiên sử dụng hơn cả vì sự tiện lợi.
- Dụng cụ y tế: Để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn trong khám chữa thì việc dùng đồ nhựa một lần là rất cần thiết. Các dụng cụ y tế bằng nhựa dùng một lần bao gồm: bơm kim tiêm, găng tay, chai, lọ, ống dẫn truyền dịch… Mặc dù an toàn, những điều này cũng đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng rác thải nhựa trong y tế là rất lớn.
2. Biện pháp giải quyết rác thải nhựa trong sinh hoạt
Rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có các biện pháp thiết thực để giải quyết kịp thời. Vì nếu để càng lâu sẽ càng gây ra nhiều hiểm họa nghiêm trọng cho môi trường, con người và hệ sinh thái.
2.1. Hạn chế sử dụng đồ dùng làm từ nhựa
Hạn chế sử dụng đồ nhựa là việc làm cấp bách:Các sản phẩm từ nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của người dân. Do đó, việc cấm sử dụng hoàn toàn là rất khó.
Tuy nhiên, hạn chế sử dụng đồ nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần là việc ai cũng có thể làm được!
Ví dụ: thay vì sử dụng túi nilon khi mua đồ tại chợ, người dân có thể mang theo túi vải, túi cói… để dùng được nhiều lần. Khi đi đến các nhà hàng hãy từ chối ống hút nhựa, thìa nhựa khi không có nhu cầu…
Chỉ sử dụng các sản phẩm từ nhựa khi không có phương án thay thế:
Trong trường hợp bất đắc dĩ, xung quanh bạn không có đồ vật nào có thể thay thế được các đồ vật bằng nhựa thì bạn hãy sử dụng chúng.
Nhưng cần phải đặc biệt lưu ý, không nên dùng túi nilon, đồ nhựa để đựng đồ nóng vì có khả năng bị phơi nhiễm chất độc hại như BPA, Phthalates… Các loại chất độc hại này là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ, rối loạn miễn dịch, rối loạn hormone giới tính và thậm chí là ung thư.
2.2. Phân loại rác thải nhựa từ đầu nguồn
Mặc dù khó phân huỷ nhưng một số loại rác thải nhựa lại có khả năng tái chế lại thành các sản phẩm khác. Tuy nhiên, để việc tái chế hiệu quả thì phân loại rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn – tại nơi phát sinh đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
- Giúp việc tái chế dễ dàng hơn: Nếu rác thải nhựa được người dân phân loại và để tách riêng với các chất thải hữu cơ khác ngay từ đầu thì việc tái chế và xử lý rác thải sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
- Giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà máy tái chế: Nếu rác thải nhựa đã được phân loại sẵn thì sẽ rút ngắn được quá trình phân loại rác ở các cơ sở tái chế nữa, giúp giảm được thời gian và chi phí vận hành.
2.3. Thay thế bằng các sản phẩm có thể phân hủy sinh học
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, con người đã phát minh ra các sản phẩm có thể phân hủy sinh học.
Những sản phẩm này có đặc tính tương tự như nhựa về độ bền cơ học, độ dẻo dai, đàn hồi, khả năng chống thấm…Tuy nhiên, chúng ưu việt hơn khi có thể phân huỷ sinh học thành các chất vô cơ (CO2, H2O) và phân mùn trong thời gian ngắn.
Có thể nói, các sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn đang là giải pháp tối ưu nhất để thay thế cho những đồ nhựa thông thường.